Cánh buồm xoay là thiết bị có hình dạng giống ống khói, có thể giúp tàu thủy tận dụng sức gió trên biển, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu và khí thải.
Thiết kế cánh buồm xoay lấy ý tưởng từ công nghệ của một kỹ sư người Đức Anton Flettner trong hành trình vượt Đại Tây Dương được giới thiệu cách đây gần một thế kỷ.
Cánh buồm xoay là một cấu trúc hình tròn cứng và cao, hoạt động giống cánh buồm làm từ vải bố và polyester. Cánh buồm này có thể xoay tròn quanh trục thẳng đứng. Những cánh buồm xoay này, bề mặt chỉ chiếm 10% diện tích cánh buồm cổ điển nhưng có thể phát ra sức đẩy tương đương, cường độ sức đẩy của nó tùy thuộc vào vận tốc quay của chính nó và vận tốc của gió. Chiều của lực tổng hợp thẳng góc với chiều của gió và tùy thuộc vào chiều quay của cánh buồm xoay.
Cánh buồm xoay có thể xoay tròn quanh trục thẳng đứng. Khi gió thổi qua, dòng khí tăng tốc ở một bên của cánh buồm xoay trong khi giảm tốc ở bên còn lại. Chênh lệch về vận tốc gió tạo ra chênh lệch áp suất, sinh ra lực nâng vuông góc với hướng gió thổi qua. Hiện tượng này gọi là hiệu ứng Magnus.
Cánh buồm xoay được kiểm soát hoàn toàn tự động và tối ưu hóa, được điều khiển và kiểm soát qua bảng điều khiển. Ở chế độ tự động, hệ thống sẽ tự động giám sát tốc độ và hướng gió, đồng thời tự động chọn hướng quay chính xác và vòng quay mỗi phút tối ưu của cánh buồm xoay để tiết kiệm tối đa nhiên liệu và giảm lượng khí thải của tàu.
Cánh buồm xoay được thiết kế để có thể dễ dàng lắp đặt trên những con tàu hiện nay. Nó sẽ giúp cung cấp thêm một nguồn năng lượng đáng kể cho con tàu đồng thời giúp giảm phát thải carbon.
Cánh buồm xoay hỗ trợ việc tuân thủ cả quy định về hiệu quả năng lượng trong vận hành (CII) và kỹ thuật (EEDI/EEXI). Sự cải thiện chỉ số dự kiến phụ thuộc vào tàu, hồ sơ hoạt động và cấu hình cánh buồm xoay. Theo ước tính, hai cánh buồm xoay có thể giúp tàu MV Delphine đóng vào năm 2018 giảm 10% nhiên liệu và khí thải.
Cánh buồn xoay hiện đang được mở rộng sản xuất và trong thời gian tới rất có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải carbon từ ngành tàu thủy.