Khai thác hệ thống nước dằn tàu (Ballast Water System) đã và đang gây phương hại đến tính ổn định và tính đa dạng sinh học biển do sinh vật ngoại lai xâm chiếm và đặc biệt là làm lây lan các mầm bệnh thông qua các vi sinh vật.
Để ngăn chặn điều này thì nước dằn tàu phải được xử lý loại bỏ các cặn bẩn, vi sinh vật gây hại trước khi xả ra ngoài tàu. Đây chính là nội dung của Công ước quản lý nước dằn (BWMC 2004- Ballast Water Management Convention) được IMO đưa ra vào năm 2004 và có hiệu lực từ 8/9/2017 (www.imo.org). Theo đó, căn cứ vào mốc thời gian khi cấp mới Giấy chứng nhận IOPPC (International Oil Pollution Prevention Certificate) mà tàu chuyển sang lắp đặt Hệ thống xử lý nước dằn (BWMS- Ballast Water Management System) thay cho việc đổi nước dằn trước khi đến cảng (Hệ thống quản lý nước dằn D-2).
BWMS về cơ bản sẽ bao gồm: Các bơm nước dằn, phin lọc, bộ xử lý vi sinh vật, hệ thống cảm biến và điều khiển. Có nhiều công nghệ được áp dụng cho bộ xử lý vi sinh vật như dùng đèn tia cực tím, công nghệ điện phân, công nghệ plasma… Nổi bật về tính hiệu quả, an toàn trong khai thác, vận hành là việc sử dụng các điện cực để thực hiện quá trình điện phân nước biển nhằm tiêu diệt vi sinh vật có hại chứa trong nó.
Các yêu cầu khi lắp hệ thống BWMS bao gồm:
- Thiết bị xử lý nước dằn phải có phương tiện vận hành và điều khiển một cách đơn giản và hiệu quả. Phải trang bị hệ thống điều khiển sao cho các hoạt động cần thiết cho việc vận hành đúng đắn thiết bị xử lý nước dằn được đảm bảo thông qua các hệ thống tự động cần thiết.
- Thiết bị xử lý nước dằn và các thiết bị điện liên quan phải là kiểu phòng nổ nếu chúng dự định lắp đặt ở các vị trí mà có thể có môi trường khí dễ cháy. Các bộ phận chuyển động lắp đặt ở các vị trí đó phải được bố trí sao cho không hình thành tĩnh điện.
- BWMS phải được tích hợp thiết bị điều khiển tự động theo dõi và điều chỉnh liều lượng hoặc mức độ xử lý cần thiết hoặc các thông số khác của BWMS trên tàu, thiết bị này nếu không ảnh hưởng trực tiếp đến việc xử lý thì cũng cần thiết để quản lý một cách đúng đắn các quá trình xử lý cần thiết.
- Thiết bị điều khiển phải được tích hợp chức năng tự theo dõi liên tục trong khoảng thời gian mà BWMS đang vận hành.
- Thiết bị theo dõi phải ghi lại được việc hoạt động thông thường hoặc hư hỏng của BWMS.
- Thiết bị điều khiển phải có thể lưu trữ dữ liệu trong ít nhất 24 tháng và phải có thể hiển thị hoặc in ra bản dữ liệu được ghi để phục vụ kiểm tra. Trong tình huống thiết bị điều khiển được thay thế thì phải có phương tiện để đảm bảo các dữ liệu được ghi trước khi thay thế vẫn còn được lưu trên tàu trong ít nhất 24 tháng.
- Thiết bị điều khiển phải có khả năng hiệu chỉnh và đặt lại giá trị không (re-zero) cho các đồng hồ đo của thiết bị điều khiển và phải có khả năng lặp lại các giá trị đã được đo.
Các chế độ và nguyên lý hoạt động cơ bản của BWMS sử dụng đèn UV:
Chế độ Ballasting:
Thao tác thực hiện:
- Trên màn hình chọn Mode để bắt đầu, chọn chế độ Ballasting với điều kiện bơm ballast ở chế độ sẵn sàng. Sau khi chọn chế độ làm việc, các van ra/vào phin lọc và lò UV mở hoàn toàn.
- Khởi động bơm ballast, chờ lưu lượng ổn định và đủ điều kiện theo cài đặt, tiến hành kích hoạt đèn UV (bằng tay hoặc tự động tùy theo cài đặt của từng hãng).
Hướng dòng nước: Nước biển → Phin lọc → Loại bỏ tạp chất và sinh vật > 50 micron → Tự động làm sạch → Điều chỉnh cường độ sáng UV để tiêu diệt hết vi sinh vật → Vào két ballast.
Chế độ Deballasting:
Thao tác thực hiện:
- Chọn chế độ Deballasting trên bảng giám sát và điều khiển.
- Quan sát các van ra vào/hệ thống đã đóng mở hoàn toàn như hướng dẫn chưa. Với hệ thống ở hình dưới, chế độ Deballasting chỉ qua lò UV, không qua phin lọc.
- Kiểm tra van hút dằn, van xả mạn của tàu đã mở chưa. Hút từ két ballast nào thì mở van két đó.
- Khởi động bơm ballast, chờ lưu lượng ổn định và đủ điều kiện theo cài đặt, tiến hành kích hoạt đèn UV (bằng tay hoặc tự động tùy theo cài đặt của từng hãng).
Hướng dòng nước: Nước trong két ballast → Điều chỉnh Uv tiêu diệt vi sinh vật → Bơm ra biển.
Chế độ Bypass:
Chế độ bơm không qua phin lọc và lò UV, chỉ được sử dụng khi gặp sự cố hay bảo dưỡng mà bắt buộc phải bơm dằn/xả dằn ballast. Khi chạy bơm ballast theo đường bypass, sẽ có tín hiệu báo động và được lưu vào nhật ký hệ thống.
Hệ thống xử lý nước dằn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Nó giúp giảm thiểu ô nhiễm nước và sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Để đảm bảo sử dụng hiệu quả hệ thống xử lý nước dằn ballast cần phải tuân thủ các yêu cầu sau:
- Chủ tàu phải đảm bảo BWMS đáp ứng được yêu cầu của công ước cùng các giấy chứng nhận còn hiệu lực.
- Chủ tàu phải đảm bảo rằng thuyền viên của họ phải được trang bị đầy đủ kiến thức và được huấn luyện làm quen với BWMS. Các quy trình vận hành phải được phê duyệt bởi Đăng kiểm và cập nhật vào SMS.
- Thuyền viên phải nắm vững về cấu tạo, nguyên lý, quy trình khai thác của hệ thống.
- Sau mỗi lần BWMS được vận hành thì thuyền viên phải ghi nhật ký một cách trung thực và đầy đủ theo quy định.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thi công và lắp đặt hệ thống quản lý nước dằn cho các tàu, từ tàu sửa chửa yêu cầu lắp mới cho đến tàu đóng mới, Vina TD tự hào là đơn vị cung cấp thiết bị và dịch vụ cho hệ thống quản lý nước dằn hàng đầu tại Việt Nam.